Các tỉnh phát triển ngành sữa

HƯNG YÊN - Tiếp sức cho người chăn nuôi bò sữa ở Khoái Châu

Những năm qua, mặc dù ở nhiều địa phương phong trào chăn nuôi bò sữa (CNBS) bị "trầm lắng" nhưng trên địa bàn huyện Khoái Châu CNBS vẫn tiếp tục được duy trì và đang có chiều hướng phát triển tốt. Với mục tiêu tăng nhanh số lượng, chất lượng đàn bò sữa của huyện lên 1.000 con vào năm 2015, Đề án phát triển CNBS huyện Khoái Châu giai đoạn 2011 – 2015 không chỉ góp phần tích cực nâng cao giá trị thu nhập, cải thiện mức sống cho nông dân mà sẽ tạo đà chuyển dịch đúng hướng tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện.

CNBS giai đoạn 2004 – 2010 trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn huyện Khoái Châu nói riêng gặp những khó khăn bởi đó là một nghề mới, từ cán bộ đến nhân dân hiểu biết về CNBS còn ít, không có kinh nghiệm trong chăn nuôi; lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở còn mỏng, thiếu, chưa có kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh, kỹ thuật phối giống cho bò... chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán sữa thấp khiến người chăn nuôi lãi ít hoặc không có lãi… Vì thế, đàn bò sữa của huyện trong những năm "khủng hoảng" của CNBS đã giảm mạnh, từ lúc có 608 con vào năm 2005, sang năm 2006 chỉ còn 292 con, năm 2007 còn 219 con. Năng suất sữa bò bình quân ở giai đoạn 2003 – 2005 từ 12 – 15 lít/con/ngày, nhiều con cho năng suất sữa thấp hơn mức bình quân từ 20 – 25%. Anh Đỗ Bá Nghĩa, xã Đông Kết kể lại: “Tham gia CNBS theo đề án của tỉnh ngay từ những năm đầu, vợ chồng tôi hy vọng hướng làm ăn mới này sẽ cho thu nhập khá hơn. Nhưng khi bước vào CNBS mới thấy nảy sinh nhiều khó khăn. Hai con bò đầu tiên mua về là một tài sản lớn đối với gia đình tôi nhưng chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, chế độ chăm sóc chưa bảo đảm mà khi được khai thác sữa chỉ đạt 5 – 6 lít/con/ngày. Chán nản vì thua lỗ song vợ chồng tôi vẫn theo, kiên quyết không bỏ”. Thế rồi, ngoài số bê con sinh ra để nuôi thay thế dần đàn bò mẹ, anh còn mua thêm. Từ năm 2007 đến nay mới ổn định đàn, chất lượng đàn bò sữa được nâng lên, cộng với kinh nghiệm chăn nuôi ngày một dày dạn nên năng suất sữa được khai thác tăng cao. Hiện nay, 3 trong số 6 con bò của gia đình anh Nghĩa đang cho khai thác sữa, đều đạt 18 – 25 lít/con/ngày. Với giá bán sữa 12,5 – 12,8 nghìn đồng/lít như hiện nay, mỗi ngày gia đình anh thu lãi ít nhất 150 nghìn đồng/con.

Cùng trải qua bao vất vả để duy trì đàn bò sữa như nhiều hộ dân khác trong huyện Khoái Châu, anh Vũ Đình Cường (xã Đông Kết) hồ hởi cho biết: “Bây giờ vừa có kinh nghiệm CNBS, vừa có đàn bò chất lượng tốt, kinh tế gia đình các hộ CNBS được cải thiện nhiều. Bình quân mỗi gia đình nông thôn hiện nay mà có 5 con bò đang cho khai thác sữa khoảng 100 lít/ngày thu nhập còn cao hơn đi lao động xuất khẩu”.

 

 

Theo bà Nguyễn Thị Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu thì đến tháng 3.2011 đàn bò sữa trong toàn huyện phát triển tới 372 con, tăng so với tháng 10.2010 là 87 con và đang tiếp tục tăng, trong đó có 284 con đang cho khai thác sữa và có chửa. Đàn bò sữa vẫn tập trung nhiều ở các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử, Đông Kết, An Vĩ, Tân Châu. Sở dĩ phong trào CNBS trong huyện được duy trì và có sự phát triển trở lại là do có sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, của huyện, nhiều người CNBS không chịu khuất phục trước những khó khăn, thử thách ban đầu. Hơn nữa, ngay từ những năm đầu triển khai đề án CNBS của tỉnh, huyện đã xác định khâu mấu chốt và quan trọng để chương trình CNBS thành công là vấn đề tiêu thụ sữa bò. Ban chỉ đạo huyện sớm vận động các hộ có điều kiện dựng bồn thu mua sữa cho các hộ nông dân và hỗ trợ kinh phí dựng 2 bồn, tỉnh hỗ trợ cho 3 bồn. Cả 5 điểm thu mua sữa bò được phân bố đều khắp địa bàn huyện, hoạt động có uy tín, giá bán sữa bò từng bước tăng lên. Mặt khác, đồng ruộng của huyện có trên 50% diện tích là chân màu và nửa lúa, nửa màu, hơn 21 km đê sông Hồng, hơn 11 km đê bối là điều kiện thuận lợi cho CNBS. Bà Lý cho biết: “Với những lợi thế đó, trong “Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2011 – 2015” UBND huyện đã phê duyệt Đề án phát triển CNBS huyện giai đoạn 2011 – 2015. Đây là hướng đi nhằm đưa CNBS từng bước góp phần nâng cao thu nhập và tỷ trọng ngành chăn nuôi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã đề ra”.

Theo kế hoạch phát triển CNBS huyện Khoái Châu giai đoạn 2011 – 2015, huyện chỉ chọn đối tượng tham gia là các hộ dân có hộ khẩu thường trú tại các xã, thị trấn được quy hoạch trong vùng phát triển CNBS của huyện. Đây là những hộ nhiệt tình, hăng hái, tự nguyện tham gia chương trình, là những hộ có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật và điều kiện kinh tế để phát triển CNBS. Trừ 6 xã khu nam huyện và 4 xã khu đường 39, vùng quy hoạch CNBS giai đoạn này của huyện gồm 15 xã, thị trấn. Để tạo điều kiện thúc đẩy đàn bò sữa của huyện có sự tăng trưởng nhanh về số lượng, chất lượng, sớm đạt được kế hoạch đề ra đến năm 2015 toàn huyện có 1.000 con bò sữa, huyện có kế hoạch hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/con đối với giai đoạn 2011- 2013, tổng số 800 con; sang năm 2014 mức hỗ trợ còn 700 nghìn đồng/con, tổng số 400 con. Trong suốt giai đoạn từ nay đến năm 2015, hỗ trợ 1.500 liều giống bò sữa chất lượng cao với mức 100 nghìn đồng/liều. Điều kiện để được hỗ trợ là những con bò sữa, bê sữa mới được mua về ngoài địa bàn huyện hoặc do bò mẹ trên địa bàn huyện sinh ra, được nuôi đến khi có chửa, cho khai thác sữa mới được trả kinh phí hỗ trợ của huyện; mỗi con chỉ được hỗ trợ về kinh phí phát triển mới một lần trong cả giai đoạn 2011 – 2015.

CNBS đang khởi sắc, lại có Đề án phát triển CNBS giai đoạn 2011 – 2015 khiến người CNBS trong huyện như được tiếp thêm sức mạnh để phong trào CNBS có điều kiện phát triển tốt hơn. Ngoài sự hỗ trợ của huyện, Công ty cổ phần sữa quốc tế  (IDP) cũng có kế hoạch hỗ trợ về tài chính để phát triển đàn bò sữa theo hình thức cho người CNBS vay vốn, trả dần qua tiền bán sữa cho công ty, giá bán sữa theo thỏa thuận trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên; đồng thời có một số chính sách hỗ trợ về kỹ thuật như tập huấn chăm sóc, vắt sữa, phòng, trị bệnh cho đàn bò… Chị Nguyễn Thị Ly (xã Hàm Tử) bộc bạch: “Gia đình tôi vẫn duy trì CNBS từ năm 2003 đến nay, con nào kém thì loại thải sớm. Dãy chuồng nuôi hàng chục lợn nái, lợn thịt nay chuyển thành chuồng nuôi bò sữa. Tôi vẫn thấy nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế ổn định hơn nhiều so với nuôi lợn, đặc biệt trong ba năm trở lại đây thì hiệu quả cao hơn hẳn. Vì thế, mặc dù giá bê sữa bây giờ rất cao nhưng có thêm một số chính sách hỗ trợ, gia đình tôi vừa mới nhập thêm 2 con nữa, nâng tổng số lên 11 con”.

Với trên 280/372 con bò sữa hiện nay đang cho khai thác sữa, 5 bồn thu gom sữa trên địa bàn huyện mỗi ngày mua được trên 5 tấn sữa bò hàng hóa, đem về cho người CNBS hơn 60 triệu đồng/ngày. Đó là chưa kể nguồn thu nhập từ bán bê sữa được sinh ra. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với nhà nông. Tin tưởng rằng, Đề án phát triển CNBS giai đoạn 2011 – 2015 huyện Khoái Châu sẽ đạt được hiệu quả đề ra, là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phong trào CNBS của huyện trong thời gian tới cũng như góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, cải thiện đời sống người nông dân.

Đào Thắm

Nguồn: baohungyen.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác