Các tỉnh phát triển ngành sữa

Phát triển bền vững vùng đất ba-dan Phủ Quỳ

Vùng đất đỏ ba-dan Phủ Quỳ, rộng hơn 13 nghìn ha, cùng hàng chục nghìn héc-ta đất màu mỡ nằm chủ yếu trên địa bàn các huyện Nghĩa Ðàn, Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa (Nghệ An)… rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ bền vững. Tỉnh Nghệ An đã và đang có nhiều giải pháp kêu gọi đầu tư nhằm đánh thức vùng đất miền tây này.

 Ðánh thức vùng đất quý

 

 

Phủ Quỳ xưa vốn được mệnh danh là một trong những vùng "lam sơn chướng khí". Sau bao thăng trầm, vùng đất này đã thật sự được đánh thức một phần khi Tập đoàn TH đầu tư trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao (CNC) lớn nhất châu Á. Hiện, đàn bò sữa CNC ở Phủ Quỳ, lớn thứ hai trong cả nước với gần 50 nghìn con, sau TP Hồ Chí Minh. Trong đó, TH có 45 nghìn con, Vinamilk có khoảng ba nghìn con.

 

Từ năm 2015, trang trại bò TH đã chuẩn bị các bước chuyển đổi đồng cỏ, đàn bò sữa để tiến tới sản xuất sữa tươi organic (hữu cơ) theo tiêu chuẩn Âu - Mỹ ngay tại vùng đất Phủ Quỳ. Ðến nay, TH đã có những cánh đồng hữu cơ rộng hàng nghìn héc-ta tại huyện Nghĩa Ðàn; đã gây dựng đàn bò sữa hữu cơ nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô gần một nghìn con, phấn đấu lên ba nghìn con vào cuối năm 2018. Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển vùng đất ba-dan Phủ Quỳ, TH đầu tư hàng loạt nhà máy chế biến: sữa, hoa quả, dược liệu và gỗ.

 

TH đã đưa vào hoạt động hiệu quả nhà máy chế biến sữa tươi, quy mô 200 nghìn tấn sữa/năm (giai đoạn 1); triển khai dự án rau sạch FVF và dự án dược liệu TH Herbals theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trên diện tích gần 130 ha, bước đầu cho doanh thu khoảng một tỷ đồng/ha/năm. Giữa năm 2017, TH khởi công nhà máy chế biến nước tinh khiết, nước thảo dược và nước hoa quả tại huyện Nghĩa Ðàn, có công suất lớn và hiện đại nhất khu vực, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2019. Cuối năm 2016, TH đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất gỗ MDF công suất 142 nghìn m3 gỗ/năm với số vốn đầu tư 300 triệu USD, đã giúp tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu rừng trồng cho nông dân tỉnh Nghệ An.

 

Cần tưới cỏ tự động dài 500 m tại trại bò sữa của Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Ðàn (Nghệ An).

 

Ði dọc đường Hồ Chí Minh hôm nay thấy rõ sự thay đổi của vùng đất đỏ ba-dan Nghĩa Ðàn với những đồng cỏ giống Mỹ hàng trăm héc-ta; ngô, cao lương đỏ bạt ngàn; hoa hướng dương vàng rộm. Những dàn xe, máy thu hoạch liên hoàn hiện đại chẳng khác gì ở Mỹ hay châu Âu. Ấn tượng nhất là khi cánh đồng hướng dương thuộc địa phận xã Nghĩa Sơn trở thành điểm du lịch thu hút hàng chục nghìn lượt du khách mỗi dịp hoa vào mùa.

 

Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Ðàn) chia sẻ: Từ khi gia đình trồng ngô bán cho trang trại nuôi bò, một năm ba vụ, sau khi trừ các loại chi phí mỗi héc-ta thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Trước đây, rơm, phụ phẩm từ cây lúa, nông dân thường đốt sau thu hoạch thì nay cũng được doanh nghiệp nuôi bò thu mua với giá cao. Chỉ tính riêng năm 2017, người dân huyện Nghĩa Ðàn đã thu về hơn 100 tỷ đồng từ bán ngô và rơm cho các trang trại nuôi bò sữa. Năm 2018, số thu này còn cao hơn vì lượng ngô và rơm mà nhà máy dự kiến mua cho nông dân tăng thêm 40%.

 

Một thế mạnh nữa mà vùng đất Phủ Quỳ đang sở hữu, đó là nguồn nhân lực từ những con em của cán bộ, công nhân các nông trường. Họ kế thừa sự lao động cần cù sáng tạo của cha mẹ cùng sự trăn trở, khát vọng vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất đầy tiềm năng. Tuy nhiên, cũng như nhiều nơi khác, Phủ Quỳ đang cân nhắc trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp: Từ những cây dài ngày như cao-su, cà-phê, cam đến cây ngắn ngày như mía, dứa… Có thời điểm, cây sắn chiếm diện tích không nhỏ. Ðến nay, vùng đất đỏ này đang trồng ba cây chủ lực: mía, cam và cao-su. Nhưng xem ra, ba cây trồng nêu trên chưa thể phát triển vùng đất Phủ Quỳ như kỳ vọng.

 

Nhờ sự hỗ trợ của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU), người nghèo cũng có thể trồng mía. Tuy lợi nhuận khoảng 15 đến 25 triệu đồng/ha/năm, nhưng cây mía vẫn chiếm diện tích lớn nhờ tiêu thụ ổn định. Hiện toàn tỉnh có khoảng 22 nghìn héc-ta mía, trong đó vùng Phủ Quỳ trồng khoảng 10 nghìn héc-ta. Gần đây, NASU đã đưa giống mía mới năng suất cao, kháng sâu bệnh; đồng thời, thực hiện cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch và ứng dụng CNC trong chăm sóc… cho nên năng suất mía ở một số địa phương đã được đẩy lên 80 đến 100 tấn/ha; cá biệt có nơi đạt 120 tấn/ha. Tuy nhiên, về tổng thể năng suất mía ở NASU không cao, mới đạt bình quân 55 tấn/ha.

 

Do hiệu quả cây mía không cao, ở một số nơi, người dân đã chuyển đất trồng mía sang trồng cam. Các nông trường: Xuân Thành, 3/2 trước đây bạt ngàn mía thì nay được thay hầu hết bằng cây cam. Nhờ cam, đã xuất hiện nhiều tỷ phú như các hộ: Nguyễn Nam Thuyên, Tấn Thanh, Tú Anh… ở nông trường 3/2 cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/năm. Gần đây, diện tích cam ở Phủ Quỳ tăng đột biến lên gần bốn nghìn ha, nhưng do phát triển nóng, không quản lý được cây giống đã để lại hệ lụy không nhỏ. Hiện có gần 500 ha cam bị dịch bệnh grinning, vàng lá, thối rễ hay thoái hóa cần chuyển đổi sang cây trồng khác để cải tạo đất.

 

Xây dựng điểm sáng miền tây

 

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30-7-2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 nêu rõ: "Thực hiện tốt Chương trình nông thôn mới, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nông nghiệp sinh thái, ứng dụng CNC, xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng CNC với trung tâm là huyện Nghĩa Ðàn nhằm khai thác tiềm năng nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, hiệu quả và làm điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của vùng Bắc Trung Bộ".

 

Thời gian qua, vùng Phủ Quỳ hiện mới chỉ có Tập đoàn TH tập trung sản xuất nông nghiệp CNC với 1.600 ha trồng cỏ Mỹ, ngô, cao lương, sản xuất thức ăn cho bò sữa được thực hiện 100% cơ giới từ làm đất, gieo trồng, tưới, thu hoạch và 130 ha trồng rau, củ, quả CNC. Tập đoàn Masan đầu tư trang trại lợn kỹ thuật cao ở huyện Quỳ Hợp với quy mô 10 nghìn lợn nái (giống của Mỹ, Ðan Mạch) và 230 nghìn lợn thịt với quy trình nuôi khép kín từ tạo con giống đến lợn thương phẩm. Ngoài ra, có 350 ha vùng mía và 160 ha cam CNC. Ðây là con số khiêm tốn về ứng dụng CNC so với tiềm năng của vùng Phủ Quỳ cũng như Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đề ra.

 

Nhiều đoàn doanh nghiệp, tổ chức, hộ nông dân tỉnh Nghệ An cũng đi tìm hiểu các mô hình sản xuất trong và ngoài nước để tìm hướng liên kết sản xuất hay xuất khẩu nông sản. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã vào tỉnh Lâm Ðồng để tham quan, học hỏi; đồng thời mời lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp Lâm Ðồng ra nghiên cứu, tư vấn nhằm tạo ra vùng rau, củ, quả ứng dụng CNC tại vùng Phủ Quỳ như một Ðà Lạt thu nhỏ. Tỉnh cũng đã đề ra các chính sách, giải pháp khuyến khích phát triển CNC, hữu cơ. Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã thông qua quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, vùng đất đỏ ba-dan Phủ Quỳ quy hoạch 300 ha sản xuất rau, củ, quả; 815 ha dược liệu; 1.000 ha mía...

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Ðàn Phan Văn Bình cho biết: Huyện đã quy hoạch 210 ha ở xã Nghĩa Phú để thu hút các doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất rau, củ, quả CNC theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm... Cùng với các chính sách của tỉnh, các địa phương phải thu hút được các nhà đầu tư, các nông hộ hay các HTX, công ty (vốn là lâm trường trước đây) đầu tư, xây dựng được các dòng sản phẩm rau, củ, quả, dược liệu đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu cùng với thương hiệu CNC, hữu cơ Phủ Quỳ. Ðối với cây có múi, nhất là cây cam, tỉnh Nghệ An cần quản lý tốt công tác giống, vật tư phân bón; khuyến khích các doanh nghiệp có uy tín làm giống, tạo ra giống cam đầu dòng, sạch bệnh.

 

Về phát triển cây cao-su ở Phủ Quỳ, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu, hiện Phủ Quỳ còn có khoảng 7.000 ha trên tổng số 11.500 ha cao-su của toàn tỉnh; trong đó có 4.500 ha đang cho thu hoạch. Ðây là một trong những cây trồng chủ lực của vùng Phủ Quỳ từ thời thành lập các lâm trường cách đây tròn 60 năm. Hiện là lứa cao-su thứ ba được trồng ở đây. Nhưng do giá cao-su xuống thấp, kéo dài cho nên người dân vẫn còn lạnh nhạt với loại cây trồng này. Tuy nhiên, việc phát triển cây cao-su cũng cần có cái nhìn khách quan. Ðây là cây đa mục tiêu, có chu kỳ thu hoạch kéo dài hàng chục năm. Kết thúc thu hoạch, cây cao-su còn cho gỗ với giá bán hàng trăm triệu đồng/ha... Về lâu dài, tỉnh Nghệ An cần sớm có chính sách ưu tiên cho vùng đất Phủ Quỳ đầy tiềm năng đi trước một bước trong việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và hữu cơ bền vững để nhân rộng.


Bài và ảnh: THÀNH CHÂU

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác