Các tỉnh phát triển ngành sữa

Hợp tác xã bò sữa Evergrowth ở Sóc Trăng tìm hướng đi đúng

Là một trong những tỉnh ở khu vực ĐBSCL nhận được nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Canada nhằm giảm nghèo bền vững cho nông dân, năm 2002, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập “Ban quản lý dự án Nâng cao đời sống nông thôn” các cấp để cùng kết hợp tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo này...

Là một trong những tỉnh ở khu vực ĐBSCL nhận được nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Canada nhằm giảm nghèo bền vững cho nông dân, năm 2002, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập “Ban quản lý dự án Nâng cao đời sống nông thôn” các cấp để cùng kết hợp tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo này...

Dự án xác định, để giảm nghèo bền vững cho nông dân khu vực nông thôn hiện nay, nhất định phải tìm một nghề nào đó vừa mang tính cộng đồng cao, vừa có tiềm năng để phát triển lâu dài và phải phù hợp với những đặc điểm kinh tế - xã hội sẵn có tại địa phương. Sau thời gian khảo sát thực tế, cuối cùng, dự án đã lựa chọn phát triển nghề chăn nuôi bò sữa và tiến tới thành lập một hợp tác xã (HTX) về nghề này nhằm kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp thu mua.

HTX bò sữa Evergrowth

Những địa phương có điều kiện phù hợp để phát triển nghề nuôi bò sữa gồm 4 huyện : Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị và Vĩnh Châu. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, dự án chỉ thực hiện tập trung ở 2 huyện Mỹ Xuyên và Mỹ Tú. Để giúp cho nông dân có kiến thức về nghề nuôi bò sữa, dự án đã đưa nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn như Long An, TPHCM, Bình Dương… Đồng thời, dự án cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò sữa cho bà con tham gia. Sau những chuyến đi tập huấn, đa số bà con đều nhận thấy đây là một nghề mà họ có thể gắn bó để cải thiện đời sống của gia đình.

Dự án còn xúc tiến các bước cần thiết khác để thành lập HTX chăn nuôi bò sữa do chính bà con nông dân làm chủ. Với yêu cầu tự nguyện cao, việc làm thế nào để bà con nông dân nhận thức tốt tầm quan trọng của HTX đối với nghề chăn nuôi của họ là việc làm hết sức cần thiết. Các lớp tập huấn về vai trò, trách nhiệm của HTX, của xã viên đã được tổ chức và thực sự đã phát huy tác dụng. Gần 90% trong số 197 hộ sau khi tập huấn đã tự nguyện đăng ký tham gia là xã viên của HTX. Qua đó, họ ý thức được rằng, nếu không có HTX thì sẽ không bán được sữa bò và nghề nghiệp của họ cũng khó phát triển được.

Việc tạo ra các thế hệ bò sữa lai là việc làm rất có ý nghĩa đối với dự án cũng như HTX trong những năm qua

Sau thời gian chuẩn bị về nhiều mặt, ngày 29.03.2004, HTX chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng được thành lập, lấy thương hiệu là HTX Nông nghiệp Evergrowth. HTX tọa lạc tại xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng với 171 xã viên tham gia. Đại hội bầu Ban quản trị gồm 7 thành viên và HTX được hoạt động theo tinh thần của luật HTX quốc tế. Đây là cách lựa chọn khá mới mẻ so với nhiều HTX nông nghiệp khác ở Việt Nam, điều này thể hiện tính hội nhập cao của HTX này.

Khác với nhiều HTX nông nghiệp khác, đại diện chủ sở hữu là Ban quản trị không kiêm nhiệm trong việc điều hành các hoạt động kinh doanh của HTX, mà việc làm này được giao cho Giám đốc. Giám đốc của HTX là người được thuê, làm việc toàn thời gian cho HTX Evergrwoth và hưởng lương theo quy định. Bộ máy giúp việc cho Giám đốc bao gồm : kế toán, văn thư, tài xế, kỹ thuật viên, nhân viên thu mua… đều là những người được thuê, làm công hưởng lương. Do mới thành lập và đi vào hoạt động ở giai đoạn đầu nên Ban quản lý dự án kết hợp với chính quyền các cấp - cụ thể là liên minh các HTX tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn - đã đào tạo đội ngũ này để đứng ra quản lý, điều hành mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.

Những người tự nguyện xin vào HTX để được nuôi bò sữa ngày càng nhiều hơn

Nhờ được đào tạo khá bài bản, nắm vững chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp nên Giám đốc và bộ phận giúp việc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc lập các báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động kinh doanh… đều được thực hiện đúng, đủ và kịp thời, làm cơ sở đáng tin cậy để báo cáo về trên cũng như cho bà con xã viên… Cán bộ kỹ thuật cũng đã thường xuyên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm của mình để đảm bảo chất lượng đàn bò và sản phẩm sữa của HTX. Với cách làm này, vai trò của bà con xã viên - những người chủ sở hữu HTX - mới thực được thể hiện đúng như bản chất của nó.

Một trong những điều kiện rất quan trọng của nông dân nuôi bò sữa là phải có hệ thống làm lạnh, bồn chứa bảo quản và xe bồn vận chuyển… phục vụ cho khâu tiêu thụ. Nông dân không đủ sức đầu tư, nên việc nhận được sự tài trợ từ phía nước ngoài cho toàn bộ hệ thống này là điều kiện hết sức thuận lợi giúp HTX hoạt động đạt hiệu quả trong thời gian qua. Mặt khác, đây cũng là dự án được chính quyền và ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng quan tâm nhằm phát triển ngành nghề mới ở nông thôn, vì vậy, các chủ trương, chính sách cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp Evergrowth hoạt động đã nhanh chóng được thiết lập và đi vào thực hiện.

Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ nghèo trong dự án đã giảm trên 50% so với lúc mới thành lập

Do đi sau nhiều mô hình nuôi bò sữa khác trong khu vực, HTX Evergrowth có được những bài học kinh nghiệm. Trong đó, có việc tạo nguồn con giống có giá thành thấp và thích hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương bằng cách cho lai tạo bò sữa từ nền bò Sind. Thông thường, giá đầu vào của bò sữa giống rất cao (từ 12 đến 18 triệu đồng/con) nên đã đẩy giá thành sản xuất sữa tươi nguyên liệu tăng cao. Ngoài ra, giá cả đầu vào cao như vậy cũng gây khó khăn đối với những hộ dân tham gia dự án vì đa số các hộ tham gia đều là hộ nghèo. Cho nên, việc đẩy mạnh và duy trì dịch vụ gieo tinh nhân tạo để tạo ra các thế hệ bò sữa lai là việc làm rất có ý nghĩa đối với dự án cũng như HTX trong những năm qua.

Thực tế đã cho thấy, HTX bò sữa tỉnh Sóc Trăng đã rất thành công, tạo nên những hiệu ứng tích cực và góp phần giảm nghèo cho người dân nông thôn. Những người tự nguyện xin vào HTX để được nuôi bò sữa ngày càng nhiều hơn. Lúc mới thành lập, HTX chỉ có 171 xã viên, cho đến nay, con số này đã lên đến 915 xã viên. Tổng đàn bò (gồm bò lai Sind và bò sữa của xã viên) cũng tăng đáng kể, hiện lên đến 2.700 con. Từ chỗ mỗi ngày HTX chỉ thu được 150kg sữa, thì nay, sản lượng đã lên đến trên 5 tấn mỗi ngày. Nhờ nghề nuôi bò sữa mà nhiều xã viên có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho gia đình. Chỉ sau gần 5 năm đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ nghèo trong dự án đã giảm trên 50% so với lúc mới thành lập. Điều này chứng tỏ sự thành công của dự án HTX mang lại và người hưởng lợi từ sự thành công ấy không ai khác chính là những người nông dân.

Cũng như nhiều bà con tại địa phương, trước đây, cuộc sống gia đình chị Trần Thị Hà - ở ấp Sôla 1, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên - chủ yếu dựa vào nghề bán cải, mò cua, bắt ốc, cuộc sống rất khó khăn. Nhờ được vào dự án nuôi bò sữa nên 5 công đất vườn nhà chị được trồng cỏ quanh năm để nuôi bò. Hàng ngày, gia đình chị đều có thu nhập từ sữa bò. Theo tính toán của chị, trung bình mỗi con bò cho từ 8 - 10kg sữa/ngày, sau khi trừ chi phí thức ăn thì lợi nhuận từ mỗi con bò thu được khoảng 20.000 đồng/ngày. Với thu nhập như thế, từ năm 2003 đến nay, kinh tế gia đình chị đã khá hơn, căn nhà lá xiêu vẹo ngày nào đã được thay thế bằng căn nhà tường trị giá trên 70 triệu đồng.

Có được thành quả của ngày hôm nay phải kể đến công sức và trí lực của những người tham gia dự án này. Đó là lưc lượng cộng tác viên thú y các tuyến, lực lượng kỹ thuật viên của dự án và HTX... Họ là những người thường xuyên tiếp cận với nông dân, những vướng mắc khi tiếp xúc với nông dân đều được họ tháo gỡ và điều này đã đem lại hiệu quả chăn nuôi rất tốt.

Kiểm định chất lượng sữa...
Tuy được nhận định là một nghề đầy tiềm năng, nhưng chăn nuôi bò sữa cũng là nghề có nhiều biến động do phụ thuộc rất nhiều vào thị trường sữa thế giới. Trong lúc chúng tôi đang thực hiện phóng sự này thì giá sữa nguyên liệu mà HTX bán ra tiếp tục giảm, giá thức ăn lại tăng liên tục khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, hầu hết bà con đang trong tình trạng lấy công làm lời vì hầu hết cỏ do họ tự trồng, không phải mua. Tuy nhiên, tại thời điểm khó khăn này thì vai trò của HTX đối với bà con xã viên càng được khẳng định mạnh mẽ hơn. Giá sữa 7.050 đồng/kg mà bà con xã viên bán cho nhà máy hiện đang là mức giá cao so với những người nuôi bò sữa khác trong khu vực. Do chất lượng sữa luôn được kiểm soát chặt chẽ và có đầy đủ phương tiện bảo quản, vận chuyển đến tận nhà máy nên sản phẩm của HTX đã tạo được lòng tin của khách hàng trong nhiều năm qua. Chất lượng và sản lượng sữa luôn ổn định là yếu tố quan trọng giúp cho giá sữa của HTX ít bị biến động. Mặc khác, dù giá thức ăn có tăng cao, nhưng giá HTX bán ra cho xã viên là giá của đại lý cấp 1 nên thấp hơn so với thị trường. Đây là những yếu tố giúp cho nghề chăn nuôi bò sữa ở địa phương vượt qua những khó khăn trước diễn biến bất lợi của thị trường.

Phát triển chăn nuôi bò sữa là một chương trình giúp người dân nghèo ở nông thôn của Sóc Trăng có điều kiện nâng cao thu nhập cho gia đình. Với vai trò là cầu nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ, HTX Evergrowth đã giúp cho người dân nghèo có thêm một nghề chăn nuôi mới đầy tiềm năng. Sự ăn nên làm ra của HTX đã thể hiện ý chí vươn lên làm giàu, quyết tâm thoát khỏi cảnh đói nghèo của người dân địa phương. Đồng thời, hiệu quả từ mô hình này cũng cho thấy sự quan tâm của các ngành, các cấp địa phương, của những người trong Ban quản lý dự án và Ban quản lý HTX…

Thúy Hằng - Trung Hiếu

Nguồn: vca.org.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác