Các tỉnh phát triển ngành sữa

SÓC TRĂNG - Thoát nghèo bền vững

Với mục tiêu: “Xóa nghèo bền vững” cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, còn phải tư vấn về phương cách làm ăn để hộ nghèo hạn chế được rủi ro và tạo nguồn thu nhập ổn định. Để thực hiện tốt điều đó, các ngành, các cấp trong tỉnh đã vận động bà con tham gia vào các tổ nhóm liên kết sản xuất cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.

Câu lạc bộ Khuyến nông Đồng Tâm, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên được thành lập năm 2004 thu hút được 26 thành viên nữ  tham gia, trong đó có 13 hộ nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khảo sát tình hình thực tế của hộ nghèo trong câu lạc bộ cho thấy: Bà con thiếu đất sản xuất, thiếu vốn và thiếu cả kỹ thuật. Thông qua các cuộc họp định kỳ của câu lạc bộ, các thành viên đề ra phương án sản xuất của gia đình mình và được sự đóng góp chân tình của cả câu lạc bộ.  Đối với hộ có tư liệu sản xuất thì chuyển giao kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị sản xuất. Đối với hộ không đất hay thiếu đất, câu lạc bộ tranh thủ sự đầu tư của các dự án hỗ trợ bò thịt lai sind hay bò sữa để chăn nuôi và tập huấn kỹ thuật để đạt năng suất cao. Đồng thời, giúp chị em lập hồ sơ vay vốn của Ngân hàng Chính sách để làm thêm ngành nghề phụ như mua bán, thuê đất trồng rẫy. 

Từ một hộ nghèo, giờ đây gia đình chị Thái Thị Mỹ Nhiên, ấp Đại Chí, xã Đại Tâm đã khấm khá dần lên. Chuyện làm ăn của gia đình chị bắt đầu từ con bò lai sind phối tinh bò sữa của Dự án Nâng cao đời sống nông thôn hỗ trợ. Bò sinh sản, nếu là bò đực thì bán thịt, bò cái thì để lại nuôi. Năm 2006, chị được vay 10 triệu đồng của  Ngân hàng Chính sách xã hội mua thêm một con bò sữa. Thức ăn công nghiệp cho bò ăn chị mua trả chậm, không có đất trồng cỏ, mỗi ngày anh chăm sóc đàn bò, chị thì đi cắt cỏ ở các bờ đê trong xóm ấp. Hiện đàn bò sữa của gia đình chị tăng lên 5 con, trong đó có 3 con cho sữa, mỗi ngày vắt được từ 40 - 46 kg sữa tươi, mấy năm nay giá sữa bò tươi tăng dần lên và hiện bán được 9.200 đồng/kg. Mới đây, vợ chồng chị đã thuê được 4 công đất rẫy chuẩn bị trồng đậu nành tăng thêm thu nhập và có thêm nguồn thức ăn xanh để chăn nuôi bò. Bà Trần Thị Lý Ên - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Đồng Tâm phấn khởi cho biết: “Chị em sử dụng vốn vay của Ngân hàng Chính sách đều có hiệu quả cao, ngoài ra, câu lạc bộ còn giúp chị em vay vốn làm các công trình vệ sinh. Đến cuối năm 2010, câu lạc bộ chỉ còn 2 hộ nghèo, 11 hộ đã thóat nghèo bền vững”. 

Một trong những mô hình đạt hiệu quả cao, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên đó là chăn nuôi bò sữa. Khi dự án tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai tại địa phương, hộ ông Nguyễn Văn Tài, ấp Châu Thành, xã An Ninh, huyện Châu Thành đăng ký vay 20 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Trước khi lập hợp đồng tín dụng, ông được phổ biến các ngành nghề để có sự chọn lựa thích hợp với điều kiện của gia đình mình. Sau khi thận trọng suy tính, ông chọn nghề nuôi bò sữa. Cũng như các hộ tham gia dự án, ông được đưa đến trại bán giống bò sữa tự chọn giống, tự ngã giá sau khi tham khảo ý kiến của cán bộ kỹ thuật đi cùng. Mua được 2 con sữa lai F1 với giá 19 triệu đồng, ông thêm tiền để xây chuồng nuôi sạch sẽ, thóang mát, đảm bảo vệ sinh  và thường xuyên tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò. Ngoài thức ăn tinh chế, ông tận dụng đất vườn tạp trồng cỏ sả để cung cấp nguồn thức ăn xanh, chứa nhiều chất xơ cho bò. Ông tâm tình: Ở độ tuổi 55, 56 như vợ chồng  ông thì việc chăm sóc bò sữa như cắt cỏ, cho  ăn, vệ sinh chuồng là rất phù hợp với sức khỏe. Nhận thấy nghề nuôi bò không cực công, có khả năng cho thu nhập cao, ông gom góp vốn mua thêm 1 con bò giá 12,5 triệu đồng. Bò sữa của ông đã sanh sản được 1 con bê cái và mỗi ngày 2 buổi sáng chiều  ông vắt đựợc 14 kg sữa bán cho điểm thu mua sữa bò tươi của  Hợp tác xã Bò sữa Mỹ Xuyên đặt tại xã Thuận Hưng với giá 9.200 đồng/kg. Bình quân 1 ngày ông thu được 140.000 đồng tiền sữa, trừ chi phí còn lời được trên 100.000 đồng. Giá thị trường của  bê cái sữa hiện nay gần  6 triệu đồng 1 con, nhưng ông không bán mà để lại  tăng đàn. Ông cho biết: “Để lại bê con để nuôi thêm, có nhiều sữa đi bán, ở đây có hợp tác xã nên khâu tiêu thụ sữa rất an tâm, không lo không có đầu ra”. 

 Đến nay, Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa của tỉnh có 1.207 xã viên với tổng đàn là 2.635 con, sản lượng sữa tươi thu mua mỗi ngày trên 10.500 kg. Để thuận tiện cho bán sữa tươi, ngoài 2 điểm thu mua chính, hợp tác xã còn mở thêm 3 điểm thu mua nhỏ ở các vùng chăn nuôi bò tập trung của tỉnh. Ông Triệu Minh Sơn ở xã Viên An,  huyện Trần Đề cho biết: “Nuôi bò sữa không tốn nhiều công, mỗi ngày vắt được 25 kg sữa, trừ chi phí 1 tháng còn lời được 4 triệu”. 

    Ngoài chăn nuôi gia súc, bà con còn làm thêm nghề phụ như mua bán nhỏ, đan đát, trồng rau màu để đảm bảo nguồn thu nhập hạn chế rủi ro. Hiện nay, sản xuất đa ngành nghề đang là xu hướng chung ở khu vực nông thôn.

      Mỹ Duyên

Nguồn: Đài PT-TH Sóc Trăng
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác