Quản lý chăn nuôi bò sữa

S.O.S bò sữa đồng huyết

Chi phí gieo tinh nhân tạo hiện vẫn còn khá cao là nguyên nhân khiến người dân giữ bò đực lại gây giống. Từ đó gây những tác hại khôn lường…

Nằm trong chương trình giống quốc gia, con bò sữa được quan tâm đặc biệt với hàng tỉ liều tinh ngoại được nhập về nhằm nâng cao chất lượng đàn bò trong nước. Nhưng do không hiểu biết, hiện rất nhiều nông dân tại các huyện ngoại thành TP.HCM lại sử dụng chính con bò đực được sinh ra (F2, F3 và F4) để phối giống với ngay bò "chị, em, mẹ" và thậm chí cả "bà" của chúng.

Huyện Hóc Môn có 12 xã, thị trấn. Và theo điều tra riêng của chúng tôi, mỗi xã, thị trấn đều có từ 1 -2 hộ dân chọn những con bò sữa đực (F2, F3. . .) để gây giống. Sau thời gian nuôi, "vỗ" cho thật khỏe, dân ta đem ra phối giống với ngay đàn bò sữa trong chuồng. Thậm chí nhiều gia đình còn tận dụng đưa bò đi phối giống cho những đàn bò quanh vùng lấy tiền. Họ coi đây là một nghề mới vì nhu cầu của "thị trường" đang rất lớn. Một con bò đục giống cò thể cho thu nhập gấp 2-3 lần con bò sữa cái.

Ông Đoàn Khắc Phi, ngụ thị trấn Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết: ông đã áp dụng phương pháp "nhân giống" này từ 4-5 năm nay. Ông có 3 con bò đực giống, cách đây một tháng mới bán bớt 2 con vì chúng quá lớn, nay chỉ còn lại 1 con. Về việc chọn con bò đực giống, ông Phi làm cũng rất "nông dân", cứ con bò nào sinh ra thấy khỏe mạnh, chân to là ông tuyển. Hiện gia đình ông đang nuôi khoảng 80 con bò sữa và riêng một con bò đực ông đang có cũng có thể "cung cấp" tinh cho gần hết đàn bò cái trong chuồng. Nên việc thuê gieo tinh viên tới phối tinh cho đàn bê của ông chỉ là khi nào có trên 3 con bò cái cùng lên giống trong một ngày.

Khác với ông Phi, Nguyễn Văn Lơ (ấp Xuân Thới Đông 3, xã Xuân Thới Đông, Hóc Môn) lại "khôn ngoan" hơn là đi tận lên Bình Dương để mua một con bò sữa đực về làm giống. Ông không biết rằng toàn bộ bò sữa trên cả nước đều đang sử dụng một nguồn tinh từ chương trình giống quốc gia. Đây cũng là con bò đực giống thứ ba mà ông đã mua.

Ông Lơ hứng khởi dẫn chúng tôi ra chuồng bò khoe: "Chú thấy con bò giống của tôi có "chiến" không. Một ngày có thể phối giống cho từ 2-3 con mà vẫn ngon ơ, đều "đạt" cả. Từ ngày có bò đực giống đến nay, cả chuồng bò sữa 30 con của tôi, không cần đến một "cọng tinh" của các cán bộ gieo tinh viên. Thậm chí tôi còn có thu nhập thêm từ việc gieo tinh cho các đàn bò quanh vùng. Tính trung bình một ngày cho nó "nhảy" từ 2 con bò cái, tôi cũng thu được 100.000đ. Quy ra là hơn 35 kg sữa/ngày chứ có ít đâu, lợi hơn nuôi bò sữa cái nhiều!" Ông Lơ cũng cho biết, cứ một con bò đực giống, một ngày "nhảy" được từ 2-3 con bò cái. Bù qua sớt lại một năm có thể tạo ra khoảng 50-60 con bê. Và riêng chú bò giống "chiến" của ông thôi cũng đã cho sinh ra trên 100 con bê kể cả của gia đình và hàng xóm. Chúng ta thử tính trung bình, riêng tại huyện Hóc Môn đã có gần 20 con bò đực giống. Vậy hàng năm đã có gần 2.000 con bò được sinh ra từ nguồn tinh này. Đó là chưa kể tại huyện Củ Chi những hộ như bà Nhế (ấp 11, xã Tân Thạnh Đông), Cô Nồi (ấp 3A, Tân Thạnh Đông), tư Bánh (ấp 6, Tân Thạnh Đông), hai Lù (khu phố 6, thị trấn Củ Chi), anh Dũ (ấp Mũi Lớn, Tân An Hội)…

Hiện tượng giữ bò đực lại làm giống hiện nay ngày càng được "nhân rộng". Bởi nông dân chỉ thấy đơn thuần, cho bò đực nhảy trực tiếp thì kết quả đậu thai cao hơn nhiều gieo tinh. Nông dân ta vốn thích học theo nhau, "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào," Thậm chí tại một số tỉnh cũng đã xảy ra hiện tượng này. Như tại Bến Cát (Bình Dương) đã có trên hai hộ nuôi bò sữa đực làm giống. Hầu như nông dân không thấy được tác hại lâu dài, cũng không thấy ai khuyến cáo nên thấy lợi thuốc mắt là làm. Nhiều hộ nông dân đã có thế hệ bò thứ 3, thứ 4 của những con bò đực giống được sinh ra.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phước Thảo, PGĐ Sở NN & PTNT kiên quyết: "Việc giữ lại bò đực để gây giống như thế thật nguy hiểm, nông dân không nên tùy tiện làm. Nếu có chỉ có thể là do cơ quan Nhà nước triển khai và có bình tuyển, chọn lọc kỹ lưỡng. Dân mà làm tràn lan như hiện nay chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng đồng huyết. Tôi xin nhấn mạnh là phải dẹp ngay cách làm này.

Tiến sĩ Đinh Văn Cải: Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Chăn nuôi gia súc lớn (Viện Khoa học kỹ thuật Nôngnghiệp Miền Nam):

Đã có Pháp lệnh Giống ban hành và tất cả các cơ quan, cá nhân hoạt động về giống phải tuân theo đúng Pháp lệnh quy định. Những nông dân giữ bò đực lại làm giống như hiện nay, đem đi phối giống cho các hộ nuôi bò khác là vi phạm Pháp lệnh giống. Nông dân không hiểu biết thì cơ quan chức năng tại địa phương nên khuyến cáo cho dân rõ để chấm dứt việc làm không đúng. Không nên để tình trạng giữ bò đực lại làm giống "phát triển, nhân rộng" như hiện nay. Chúng ta nên "triệt tiêu" những con bò đực giống hiện tại hay là để đến lúc phải diệt cả đàn bò thế hệ sau sinh ra, việc nào cần làm ngay?.

Theo Nguyễn Đức (Báo nông nghiệp)

Nguồn: TS Nguyễn Quốc Đạt: GĐTT Nghiên cứu & Chuyển giao
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác