Quản lý chăn nuôi bò sữa

Tiêu chuẩn vòng 1 của bò cái cho sữa

Chọn được một con bò cái cho sữa có ngoại hình “chuẩn” và nhất là có vòng 1 “như ý” thì người nông dân xem như đã thành công được một nửa. Theo các chuyên gia, vòng 1 của bò nên được đánh giá qua 8 tiêu chí mang tính khách quan, rõ ràng, dễ hiểu... và đã được kiểm chứng thực tế.

1. Hình dáng

Một cô bò sữa có ngoại hình đẹp sẽ có phần thân sau to hơn phần thân trước, một trong những lý do là “bầu sữa” nằm ở phần thân sau. Bầu vú nên rộng về phía sau, đáy vú dài và cân bằng, vú trước và vú sau nằm trên cùng một mặt phẳng. Thông thường vú sau to hơn vú trước nên sản lượng sữa của hai vú sau bao giờ cũng cao hơn hai vú trước. Bò đẻ lứa đầu, sản lượng sữa hai vú trước 45%, hai vú sau 55%. Bò đẻ từ lứa thứ hai trở lên, hai vú trước là 35 – 40% và hai vú sau là 60 – 65%.

2. Độ treo vú trước

Tiêu chí này giúp đánh giá sự gắn kết chắc chắn của bầu vú vào cơ thể. Nhìn một bên, hai vú trước gắn vào đáy bụng bò tạo thành một góc, góc càng lớn sự gắn kết càng chắc. Khi góc này quá hẹp, bầu vú trước sẽ gắn vào thân một cách lỏng lẻo, dễ bị đong đưa khi di chuyển dẫn đến nguy cơ tổn thương cơ học cho bầu vú.

3. Độ cao treo vú sau

Độ cao treo vú sau được tính từ điểm giữa của xương chậu đến điểm mà bầu vú bắt đầu chứa mô tuyến sữa. Vú càng treo cao thì càng được gắn kết chắc chắn vào cơ thể và cho sản lượng sữa cao. Đây có thể là bí quyết để đánh giá giá trị của bầu vú vì đặc điểm này có tính di truyền và ảnh hưởng đến tuổi thọ của bầu vú.

4. Chiều rộng hai vú sau

Chiều rộng hai vú sau được đo từ điểm mà bầu vú bắt đầu chứa mô tuyến sữa đến mặt trong của đùi. Chiều rộng vú sau càng lớn, khung chậu của bò càng rộng, càng dễ sinh đẻ và sản lượng sữa càng cao.

5. Độ treo chằng vú

Độ treo chằng vú được xác định bằng độ sâu và đáy của cả hai nửa bầu vú. Độ sâu này khoảng 3 cm, cho thấy sự rạch ròi trong cấu tạo giữa 2 nửa bầu vú trái và phải. Độ sâu giữa hai nửa bầu vú lớn còn cho thấy lực treo của bầu vú tốt, bầu vú khỏe, núm vú phân bố cân đối.

6. Độ sâu vú

Nhìn từ bên hông bò, độ sâu vú được xác định từ phần đáy của bầu vú đến điểm giữa khuỷu chân sau. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ sâu vú như độ cao treo vú sau, độ treo chằng vú, chiều cao, tuổi, giai đoạn vắt sữa và kỹ thuật vắt sữa bò. Độ sâu vú có tỷ lệ thuận với lượng sữa sản xuất. Tuy nhiên, nếu vú quá sâu làm cho ta có cảm giác vú bị "xệ", bò đi lại khó khăn, vú bò dễ bị tổn thương do các núm vú thấp gần với mặt đất.

7. Phân bố núm vú phía trước

Quan sát từ phía sau để đánh giá sự phân bố của núm vú phía trước. Khoảng cách giữa hai núm vú trước phản ảnh chiều rộng giữa hai núm vú. Khoảng cách này rộng việc vắt sữa sẽ dễ dàng. Vị trí phân bố của các núm vú ảnh hưởng đến sự thuận tiện khi vắt sữa bò, mỗi núm vú phải được phân bố nằm giữa mỗi góc tư bầu vú.

8. Độ dài núm vú phía trước

Độ dài của vú cũng rất quan trọng. Bình quân độ dài núm vú là 6 cm và khác biệt giữa các núm vú trên cùng một bầu vú không nên quá 0,5 cm; phù hợp cho việc vắt sữa bằng máy hay bằng tay.

(Theo tài liệu tập huấn chăn nuôi bò sữa của FrieslandCampina VN)

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác