Quản lý chăn nuôi bò sữa

Trại bò sữa “kỹ thuật số”

Tại trại bò sữa này mỗi con bò được gắn “chíp” điện tử theo dõi lượng sữa hàng ngày. Đến giờ vắt sữa, từng con bò sẽ xếp hàng chờ thiết bị kiểm tra và hệ thống vắt sữa tự động làm việc. Chưa hết, bò còn được ngủ trên nệm, có chỗ gãi khi bị ngứa...

Bò “hiện đại hóa”

Mỗi con bò được gắn “chíp” điện tử lý lịch, các hoạt động hàng ngày của bò đều được lưu trữ vào đó. Khi hết chu kỳ vắt sữa, bò được trang bị thêm con “chíp” thứ hai, loại này chuyên theo dõi và phát hiện khả năng “tìm bạn tình” của bò cái. Khi tín hiệu từ “chíp” truyền về bộ phận quản lý, nhân viên sẽ lập tức điều “anh bò” khỏe mạnh đáp ứng nhu cầu của những “cô bò vào mùa”.

Bò con sau khi sinh được nuôi cách ly, bò mẹ nuôi tập trung phục vụ cho lấy sữa. Mỗi ngày vắt sữa hai lần vào sáng sớm và chiều mát. Đến giờ, cửa chuồng mở, bò mẹ sẽ đi vào khu vắt sữa tự động. Điều thú vị là có đến hàng chục con cùng đi vắt sữa, nhưng chúng vẫn rất trật tự, từng con một “tự giác” đi vào vị trí vắt sữa mà không có bất cứ một nhân viên nào phải “can thiệp”. Khi đã vào vị trí, nhân viên mới thực hiện vệ sinh bầu sữa, sau đó thiết bị vắt sữa tự động sẽ làm việc. Thiết bị này sẽ kiểm tra trước khi lấy sữa, nếu sữa không đạt hay bò mẹ có tiêm thuốc (trong quá trình trị bệnh) thiết bị sẽ lập tức từ chối không vắt sữa.

Bò sữa còn được hưởng nhiều “chế độ” khác như chống nóng, với hệ thống làm mát luôn đảm bảo nhiệt độ phù hợp. Hệ thống dọn phân tự động đưa chất thải vào hệ thống hầm biogas. Máng uống nước tự động, khẩu phần ăn trộn tổng hợp và phân phối bằng thiết bị chuyên dùng. Ngoài thức ăn từ cỏ tươi, cây bắp tươi (loại trồng lấy thân), bò còn được ăn cỏ “ngoại” (nhập từ Mỹ, giá 6.000 đồng/kg). Bầu sữa của bò được lau bằng loại khăn “riêng” (nhập khẩu với giá 100.000 đồng/cái), khăn này rất mịn, sợi chỉ không rụng hay bám vào bầu sữa như các loại khăn thông thường. Khăn có tác dụng massage làm cho bò dễ chịu trước khi vắt sữa. Mỗi con bò được bố trí ô ngủ riêng, cao ráo, có lót nệm. Trong chuồng bố trí các dụng cụ gãi ngứa, khi bị ngứa bò sẽ tìm đến để gãi.

“Thủ phủ bò sữa”

Trang trại nuôi bò sữa nói trên là do Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) đầu tư tại xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Tính đến thời điểm hiện nay, trang trại này được đánh giá hiện đại lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á (hình thành vùng chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại, đáp ứng nguyên liệu sữa tươi đạt chuẩn quốc tế).Trang trại có quy mô 3.000 con với 1.500 con vắt sữa, và đồng cỏ rộng 47,2 ha (trồng cỏ cao sản).

Ông Lê Văn Dũng, giám đốc trang trại cho biết, giống bò tại đây là bò sữa cao sản nhập từ Úc, New Zealand (đưa về Việt Nam bằng máy bay). Để tăng đàn, Vinamilk đã áp dụng công nghệ phối giống tạo ra giới tính toàn cái đầu tiên ở Việt Nam. Vinamilk cũng đang hướng tới việc tạo ra con giống chất lượng cao, giá rẻ để chuyển giao cho nông dân nuôi (công ty bao tiêu sản phẩm). Hiện tại, Vinamilk đã ký hợp đồng với nông dân quanh trang trại về việc trồng, cung cấp cỏ cho trang trại.

Bà Bùi Thị Hương, giám đốc đối ngoại Vinamilk cho biết, một “thủ phủ bò sữa” đang hình thành tại Nghệ An. Vùng đất Nghĩa Đàn, Nghệ An này có khí hậu khá ôn hòa, đặc biệt là đất đỏ bazan thuộc loại tốt để phát triển đồng cỏ. Có cả đường Hồ Chí Minh tạo thuận lợi cho giao thông. Những ưu điểm này đã giúp Nghệ An trở thành khu chăn nuôi bò sữa lớn nhất của cả nước, và đang thu hút nhiều đơn vị đầu tư. Sản phẩm của Vinamilk ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước còn được xuất khẩu sang Úc, Irăk, Philippines, Mỹ, Campuchia… Doanh số từ đầu năm 2010 đến nay đạt 9.600 tỷ đồng (chỉ tính thị trường nội địa). Vinamilk cũng đang triển khai chương trình đầu tư ra nước ngoài với kế hoạch mua 19,3% cổ phần của Công ty Miraka Limited tại New Zealand.

THANH TÂM

Nguồn: khoahocphothong.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác